Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

2011 Hàng ngàn người dự lễ giỗ Linh Mục Trương Bửu Diệp lần 65

Người không Công Giáo cũng đến cầu ơn lành

 STANTON (NV) - Trong dấu hiệu cố Linh Mục Phanxico Trương Bửu Diệp được sự kính mến của rất đông người Việt Nam, vào sáng Thứ Bảy, trong không khí mát dịu của những ngày đầu Xuân, gần cả ngàn người dân nhiều tôn giáo - Công Giáo, Tin lành, Phật Giáo - có mặt tại nhà thờ Saint Polycarp, thành phố Stanton (California), để tham dự lễ giỗ Linh Mục Trương Bửu Diệp nhân đúng 65 năm ngày mất của ngài, 12 tháng 3, 2011.



Cả ngàn người dân kể cả Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo đã có mặt tại nhà thờ Saint Polycarp, thành phố Stanton, để tham dự lễ giỗ Linh Mục Phanxico Trương Bửu Diệp nhân 65 năm ngày mất của ngài (12/3/1946-12/3/2011), dưới sự chủ tế của Linh Mục Trần Quý Thiện. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Hình ảnh và danh tánh của vị linh mục này quen thuộc với nhiều người đọc báo Việt ngữ tại hải ngoại, với mỗi ngày hàng chục lời “Tạ ơn Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp” được đăng trên báo chí, từ những người thấy rằng mình đã nhận được “ơn lạ” hay “phép lạ” từ Cha Trương Bửu Diệp. Từng là cha xứ của họ đạo Công Giáo Tắc Sậy, Cà Mau, Cha Trương Bửu Diệp đã đứng ra chịu chết thay cho giáo dân khi họ bị lực lượng Việt Minh bắt, năm 1946.

Từ thành phố Diamond Bar, bà Hồng Huỳnh, là người theo đạo Tin Lành, đã đến dự lễ giỗ Linh Mục Trương Bửu Diệp với niềm tin và lòng thành kính đặc biệt, bởi như lời bà nói, “Với tôi, Cha Diệp là một vị thần.”

Niềm tin của bà Hồng Huỳnh với Linh Mục Trương Bửu Diệp ngày càng trở nên mãnh liệt hơn từ những điều “kỳ diệu” mà gia đình bà đã nhận được từ những lời khấn ngài, như chồng bà đã tìm được việc làm trở lại sau 7 tháng thất nghiệp, ngay tại hãng cũ, dù ông đã 60 tuổi; hay con dâu bà dù đã nhận lời khuyên của bác sĩ là nên “sinh mổ” nhưng khi bà Hồng vừa khấn nguyện xong thì con dâu bà đã chuyển dạ sinh bình thường.

Trong khi đó, ông Tuấn Nguyễn, cư dân thành phố Garden Grove, đến dự lễ giỗ Linh Mục Trương Bửu Diệp, cùng mẹ và vợ con, cho biết, “Chúng tôi đã biết đến danh hiển linh của cha từ lâu. Ðây là lần đầu tôi tham dự lễ giỗ cha ở Mỹ, còn hồi ở Việt Nam thì đã có đi hành hương về nhà thờ cha ở Tắc Sậy, Cà Mau, lúc nhà thờ còn chưa trùng tu.”

“Từ trước giờ, nhờ ơn Chúa nên gia đình tôi được mọi sự rất bình thường và êm ấm, nên chưa cầu xin cha điều gì. Nay thì gia đình đến để cầu xin cha mọi ơn lành cũng như mau chóng chữa lành cho con trai chúng tôi đang bị bệnh thiếu máu. Chúng tôi rất tin tưởng chuyện đó,” ông Tuấn chia sẻ.

Trong không khí trang nghiêm và ấm cúng của lễ giỗ, Linh Mục Chủ Tế Trần Quý Thiện đã nhắc lại tiểu sử của vị linh mục nổi tiếng với câu nói, “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên.”

Linh Mục Trương Bửu Diệp sinh ngày 1 tháng 1, 1897, tại làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ngài được Linh Mục Giuse Sớm rửa tội vào ngày 2 tháng 2, 1897 tại họ đạo Cồn Phước, lấy tên thánh là Phanxico.


Gia đình ông Tuấn Nguyễn (bìa trái) ở Garden Grove đến dự lễ giỗ Linh Mục Trương Bửu Diệp và cầu xin ngài giúp mau chóng chữa lành bệnh thiếu máu cho con trai ông (thứ hai từ trái). (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nhà thờ Saint Polycarp, Stanton, California

Năm 1904, lúc lên bảy tuổi, mẹ mất, ngài theo cha đến Battambang, Cambodia sinh sống bằng nghề thợ mộc.

Năm 1909, Linh Mục Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa ngài vào nhập Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Mãn tiểu chủng viện, thầy Diệp lên Ðại Chủng Viện Nam Vang, Cambodia vì thời ấy, các họ đạo trong khu vực Ðồng Bằng Sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo Phận Nam Vang.

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang.

Năm 1924-1925, Linh Mục Trương Bửu Diệp được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng.

Tháng 3 năm 1939, ngài về họ đạo Tắc Sậy.

Những năm 1945-1946, hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, cha bề trên kêu ngài lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo nhưng vị linh mục đã trả lời, “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”

Ngày 12 tháng 3, 1946, Linh Mục Trương Bửu Diệp bị Việt Minh bắt cùng với trên 70 giáo dân tại họ Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung với bổn đạo tại lẫm lúa của ông giáo sự ở Cây Dừa. Vì bênh vực quyền lợi của giáo dân, ngài đã mất trong khi thi hành nhiệm vụ chủ chăn.

Theo lời báo mộng của ngài, giáo dân đã vớt được ngài từ một cái ao với vết chém sau ót và thân thể trần trụi.

Thi hài Linh Mục Trương Bửu Diệp được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt Cha Diệp được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài khi thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Linh Mục Trương Bửu Diệp cũng là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Ngọc Lan/Người Việt
Ngày đăng: Saturday, March 12, 2011 6:14:47 PM
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=128057&zoneid=1#.VRuO3vmsVtk

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét