Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Hành hương miền sông nước Tây Nam Bộ: Giáo họ Khúc Tréo

Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

Cha PHANXICÔ XAVIÊ TRƯƠNG BỬU DIỆP 
(1897 – 1946)  
Một mẫu gương mục tử: Sống chết vì đoàn chiên

Ai đã từng đến du lịch ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ sẽ không thể bỏ qua một điểm hành hương nổi tiếng: Tắc Sậy. Từ những năm của thập niên 1980 trở đi, hằng năm cứ vào ngày 11–12/3 dòng người lương giáo từ các nơi tuôn về Tắc Sậy, trên nhiều chiếc xe đò chở khách, người ta còn có thể thấy hình một vi linh mục mặt vuông chữ điền rất dễ mến. Họ đến Tắc Sậy để làm gì vậy? Thưa để kỷ niệm lễ giỗ của một vị linh mục có tên là Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.

Đôi dòng tiểu sử

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 2-2-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, Tỉnh An Giang.

Cha ngài là Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), mẹ ngài là Lucia Lê Thị Thanh. Gia đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1904, lúc ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang, Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyển thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho ngài người em gái tên là Trương thị Thìn (1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền cho ngài vào Tiểu chủng viện Cù lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới An Giang. Mãn Tiểu chủng viện, ngài lên Ðại chủng viện Nam Vang, Campuchia (lúc đó các họ đạo khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Ðức cha GB. Chabalier. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1924-1927, được bề trên bổ nhiệm làm cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù lao Giêng.



Sống chết vì đoàn chiên

Tháng 3 năm 1930, ngài về nhậm họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Ðốc, Cam Bô, An Hải, Ðầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Ðồng Gò, Rạch Rắn.

Theo lời kể của ông Giacôbê Huỳnh Văn Lập 76 tuổi, ngày xưa là chú bé giúp lễ ở với cha (ông Ba Lập hiện vẫn còn sống ở tại Tắc Sậy) thì cha Diệp rất hiền nhưng khi giảng thì có lúc giọng cha rất hùng hồn mạnh mẽ, có lúc lại rất êm đềm. Cha cũng rất thương người nghèo: ông còn nhớ khi có những người nghèo đói bất kể lương giáo hay người lỡ đường cha đều kêu vào rồi mở lẫm lúa cho họ lấy lúa đem ra xay giã lấy gạo (vì lúc đó không có nhà máy xay lúa như bây giờ).

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương vì chiến tranh giữa Nhật và Pháp, dân chúng nhiều người di tản. Cha Bề trên điạ phận Phêrô Trần Minh Ký ở Bạc Liêu kêu gọi ngài lánh mặt; người Pháp 3 lần đem xe đến rước, khuyên ngài tạm lánh khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”

Ngày 12-3-1946, ngài bị Nhật bắt cùng với trên 70 người giáo dân tại họ Tắc Sậy, tất cả bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm luá của ông giáo Sự ở Cây Dừa. Cũng theo lời kể của ông Ba Lập thì họ chất rơm chung quanh tính đốt tất cả, nhưng cha Diệp đứng ra tranh đấu cho dân, đồng thời an ủi những người cùng bị giam. Cha khuyên giáo dân ăn năn tội và giải tội cho họ. Cha bị mời đi làm việc 3 lần và lần thứ ba thì không thấy trở về nữa. Sau khi cha bị mời đi lần thứ ba bổn đạo thấy cửa lẫm để mở ngỏ và họ đã trốn thoát.

Sau đó vài ngày giáo dân đã tìm thấy xác ngài từ một cái ao của ông giáo Sự, với vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần trụi như Chuá Giêsu trên thập giá.

Thi hài ngài được vớt lên và chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, nhiệm sở của ngài thi hành chức vụ chủ chăn trong 16 năm. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989. Ngài là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Chứng nhân Đức Ái

Lễ giỗ đầu đầu tiên do cha Antôn Vũ Xuân Vinh tổ chức năm 1979 với thành phần tham dự đến từ những họ đạo chung quanh (chỉ khoảng chừng 30 người). Nhưng dần dần số người nhận được ơn lành nhờ lời bầu cử của cha Diệp ngày càng nhiều và họ đổn thổi về sự hiển linh của ngài nên rất đông đảo người lương cũng như giáo trong nước và cả ngoài nước đều tuôn về Tắc Sậy để cầu khấn với ngài. Số khách hành hương trong ngày lễ giỗ ngày càng tăng, con số lên đến hàng chục ngàn người và không chỉ trong ngày lễ giỗ mà còn thường xuyên trong năm vẫn có những người đến hành hương. Vì thế kể từ 21-01-1997 Đức Giám mục Cần Thơ đã chính thức thành lập Trung tâm Truyền giáo Phanxicô tại Tắc Sậy. Từ nơi đây rất nhiều người đã nhận được những ơn lành phần xác cũng như phần hồn.

Nếu ngày xưa ngài đã vì thương đoàn chiên mà sẵn sàng sống chết vì họ thì ngày nay ngài lại trở thành chứng nhân của Đức Ái qua biết bao nhiêu ơn lạ nhờ lời bầu cử của ngài cho tất cả những ai chạy đến với ngài.

Giáo phận Cần Thơ

Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam


Hành hương miền sông nước 3.9.2014 

Trong tâm tình trọng kính cha FX Trương Bửu Diệp, từ Saigon, lúc 22h00, ngày 03.09.2014, đoàn chúng tôi gồm 45 người dưới sự dẫn dắt của Huynh trưởng đoàn Đa Minh Nguyễn Bá Hạp đã cùng nhau tổ chức cuộc hành hương viếng mộ cha FX Trương Bủu Diệp.

Như thể được ơn phụ trợ của cha, đoàn xe đưa chúng tôi đi chạy bon bon an lành, vượt hàng trăm cây số, qua bao thành thị, làng quê Tây Nam Bộ hiền lành với sông nước mênh mông, ruộng lúa mượt mà, vườn cây tươi tốt. Trên xe cộng đoàn được chăm sóc chu đáo, nước uống, xôi nóng … bởi tinh thần mục vụ chân thành của ban tổ chức đoàn hành hương là anh Hạp, anh Hùng.

Sáng hôm sau, lúc 5h00 ngày 4.9.2014, qua chiếc đò yêu thương, thân thuộc của đồng bào miền sống nước, phương tiện gắn kết mọi hoạt động hai bến bờ, chúng tôi đã đến nhà thờ Giáo họ Khúc Tréo, (thuộc Gx Bến Tàu, Giáo hạt Bạc Liệu, giáo phận Cần Thơ) trong tiết trời tinh sương, thánh thiện với một tâm hồn sốt sắng hướng về Thiên Chúa, về cha FX Trương Bửu Diệp.

Như được giới thiệu, nhà thờ giáo họ Khúc Tréo được thành lập và xây dựng năm 1920 bởi cha FX Trương Bửu Diệp. Và nơi đây cũng là nơi an táng cha Phanxico Xavier khi cha tử đạo ngày 12.3.1946.

Được sự đón tiếp nhiệt thành của Sơ giúp họ đạo, cộng đoàn mau chóng vào nhà thờ dâng kính Thiên Chúa, Mẹ Maria giờ kinh sáng và cử hành nghi thức phụng vụ Thánh Thể trong bầu không khí sốt sắng, trang nghiêm. Sau đó, Sơ hướng dẫn chúng tôi đến cầu nguyện trước mộ cha Phaxico Xavier. Cộng đoàn hiệp ý dâng lên cha Phanxico Xavier chuỗi Lòng Thương Xót, dâng lên cha những lời khấn nguyện thầm kín cầu xin bản thân, cho gia đình, cho giáo xứ, cho nước Việt mến yêu … nhờ xin cha cầu bầu đến Thiên Chúa là Cha nhận từ nhậm lời và ban ơn cứu độ, ơn bình an, nhất là ơn được làm con cái Thiên Chúa.

Lạy cha Phanxico Xavier, giờ đây, xin làm cho chúng con luôn thuộc vào Thiên Chúa như cha đã thuộc vào Ngài, biết sống làm chứng nhân cho Thiên Chúa giữa đời thường. Amen.

Thực thi bác ái là việc làm không thể thiếu trong các chuyến hành hương của Huynh đoàn Đa Minh Gx Bắc Hà. Qua sự đón nhận của Sơ, thay mặt cộng đoàn, huynh trưởng Nguyễn Bá Hạp gửi giúp Giáo họ tiền góp của cộng đoàn và các thiếu nhi nhiều thùng mì, bánh trung thu, lồng đèn. Xin chúc Giáo họ, các thiếu nhi một mùa trung thu tin yêu vào ơn Cứu độ của Đức Kitô. Amen.

Rời nhà thờ Giáo họ Khúc Tréo lúc 7h00, cộng đoàn sang viếng nhà thờ Tắc Sậy cách đây khoảng 8km, nơi Cha yên nghỉ vĩnh viễn. Mỗi người thắp một nén nhang và tiếp tục cầu nguyện theo ý riêng của mình.

Sau một đêm nghỉ ngơi tại Tp Cần Thờ, từ 5h00 sáng ngày 6.9.2014, cộng đoàn tiếp tục hành trình tìm kiếm Chúa trong đời sống đồng bào của mình miền sông nước Cần Thơ. Xuất phát từ bến Ninh Kiều, theo tài liệu Website Văn hóa Việt:

" Bến Ninh Kiều, đã từ lâu, những con người Cần Thơ luôn tự hào và kiêu hãnh mỗi khi nhắc đến Ninh Kiều - nơi bờ sông nhìn ra dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng. "Cần Thơ có bến Ninh Kiều Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân." Bến Ninh Kiều là một địa điểm mà du khách hay tìm đến nhất, nằm bên hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Trên bến sông luôn tấp nập tàu bè, thuyền xuôi ngược chở đầy những sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên Bến Ninh Kiều là cảng Cần Thơ. Cảng này được xây dựng hiện đại có khả năng tiếp nhận trọng tải 5.000 tấn, gần bến Ninh Kiều có chợ Cần Thơ, một trung tâm buôn bán lớn ở miền Tây Nam Bộ. Ngược dòng thời gian, Bến Ninh Kiều xưa được khai sinh là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Ninh Kiều ngày ấy tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ đã trở thành tên gọi của bến sông. Việc giao thương mỗi ngày thêm phồn thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần dần trở thành thắng cảnh du lịch của đất Tây Đô. "

Tận mắt nhìn, quả thật đúng như những gì người đời truyền tụng. Tạ ơn Chúa đã ban cho dân tộc Việt chúng con một miền sông nước bao la, hiền hòa cùng những người anh em,  "đồng bào" của chúng con theo truyền thuyết Cha Long Quân, mẹ Âu Cơ thật là dễ mến, dễ thương, chân thành, hiếu khách. Cuộc mưu sinh của mọi người khá vất vả nhưng thật sinh động, đầy sáng tạo. Nào ghe to, ghe lớn sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu ăn uống, trao đổi hàng hóa, sản vật từ khắp miền Tây Nam Bộ chuyển đến. Khá vất vả, lam lủ cho cuộc mưu sinh, nhưng chúng tôi nhận thấy nơi đây những con người anh em của chúng tôi trong tình yêu Thiên Chúa thật chân thành, cần mẫn, hiền hòa, đáng yêu. Mời cộng đoàn xem hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận kèm theo sẽ nhận thấy rõ đời sống đồng bào miền sông nước Tây Nam Bộ như một bức tranh sinh động vô cùng mà không một họa sĩ nào lột tả hết được.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha nhân lành, xin thương ban nhiều ơn lành cho những người anh em chúng con, nhất là ơn nhận biết Chúa và luôn thuộc về Chúa. Amen.

Tạm biệt Cần Thơ, 8h30 sáng ngày 6.9.2014, xe lăn bánh đưa đoàn đến Bến Tre viếng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại nhà thờ La Mã. Vừa đến nơi, một cơn mưa hồng ân đổ ập xuống như thể muốn thanh tẩy chúng con trở nên sạch trong trước khi viếng Mẹ Maria. Mẹ ơi! bên Mẹ chúng con cảm thấy bình an, ấm áp, vì được Mẹ chở che, phù giúp. Xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ, lắng nghe lời Chúa, biết suy đi nghĩ lại mọi sự trong cuộc sống hàng ngày, để rồi nhận biết thánh ý Chúa mà đem ra thưc hành.

14h30, trời đã xế chiều, chúng con xin tạm biệt Mẹ để về nhà. Tạ ơn Chúa, Mẹ Maria và cha Phanxico Xavier đã đưa đoàn chúng con đi và về bình an. Trên đường về Saigon, chúng con luôn nghe văng vẳng bên tai con câu hát :". . . Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vậng! . . ."

Xin cám ơn cộng đoàn đã đọc bài chia sẻ.

Maria Trần Thị Loan

Một số hình ảnh chuyến hành hương miền sông nước Tây Nam Bộ 3 - 6.9.2014
Cộng đoàn đọc kinh, cầu nguyện tại Nhà thờ Giáo họ Khúc Tréo và Thánh đường Tắc Sậy (Bạc Liêu)
Ảnh Anh Tuấn
Nguồn: http://huynhdoandaminh.blogspot.com/2014/09/hanh-huong-mien-song-nuoc-392014.html











Thánh đường Tắc Sậy (Bạc Liêu)

Thánh đường Tắc Sậy (Bạc Liêu)

Thánh đường Tắc Sậy (Bạc Liêu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét