Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Lễ giỗ thứ 66 Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp năm 2012

Thi hài và vết chém sau ót ngang mang tai, bị vứt xuống ao nhà ông giáo Sự, đã được giáo dân họ đạo Khúc Tréo vớt lên trong tư thế trần truồng như Chúa Giêsu trên thập giá và được đưa về chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (họ lẻ của Ngài).

FOUNTAIN VALLEY - “Lạy Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, vị mục tử nhân lành đã tận hiến cuộc đời mình cho Thiên Chúa để rao giảng ơn cứu độ của Đức KiTô cho muôn dân. Cha đã liều mình hy sinh cho con chiên của Cha được bình yên. Nay chúng con dâng lời nguyện này, nhờ Cha cầu thay nguyện giúp cùng Thiên Chúa toàn năng, ban cho chúng con những ơn cần thiết cho mỗi cuộc đời của chúng con. Chúng con tin tưởng, cậy trông và phó thác vào lời cầu bầu của Cha. Amen”. Đó là lời cầu Cha Trương Bửu Diệp của Cộng Đoàn Dâng Chúa Thánh Linh cùng với Ca Đoàn Nhà Thờ Thánh Linh hát “Về Bên Cha Trương Bửu Diệp” (nhạc và lời Jennifer và Trần Quang Phục), “Mừng Kính Cha Trương Bửu Diệp” (nhạc và lời Thượng Uyển) trong lễ giỗ thứ 66 Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (1946-2012). Lễ giỗ và chương trình ký thỉnh nguyện thư ủng hộ Tuyên Thánh được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng ngày 17-3-2012 tại Nhà Thờ Thánh Linh.




Thánh Lễ Giỗ Cha Trương Bửu Diệp tại Nhà Thờ Thánh Linh vào sáng ngày 17-3-2012
ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Cùng tổ chức chương trình lễ giỗ và ủng hộ Tuyên Thánh có Đức Ông Phạm Quốc Tuấn (Quản Nhiệm Nhà Thờ Thánh Linh và Cộng Đoàn Dân Chúa Thánh Linh), Cha Cố Phan Phát Huờn (Dòng Chúa Cứu Thế), Cha Cố Đinh Ngọc Quế (Dòng Chúa Cứu Thế), Cha Nguyễn Ngọc Tỏ (Cựu Chánh Xứ Tắc Sậy, Việt Nam), Hội Những Người Con Cha Diệp, Hội Bảo Trợ Tu Hội Nô Tì Thiên Chúa, Liên Nhóm Cursillo Thánh Linh, Trương Bửu Diệp Foundation…

Tiểu sử Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
Theo tài liệu của Linh Mục Nguyễn Thanh Bình, Nhà Thờ Tắc Sậy: “Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897, rửa tội ngày 2-2-1897 tại Họ Đạo Cồn Phước, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; cha Ngài là Ông Micae Trương Văn Đặng và Mẹ Ngài là Bà Lucia Lê Thị Thanh. Năm 1904, lên 7 tuổi, mẹ mất, theo cha lên Băctambang-Campuchia. Năm 1909 vào Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, mãn tiểu chủng viện, Ngài vào tu học tại Đại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia vì lúc đó các họ đạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh, Campuchia. Năm 1924, Ngài thụ phong Linh Mục tại Nam Vang. Năm 1924-1927, Ngài làm Cha Phó Họ Đạo Hố Trư, một họ đạo Việt Nam tại tỉnh Kandal, Campuchia. Năm 1927-1929, Ngài làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng. Tháng 3-1930, Ngài nhận chức Cha Sở Họ Đạo Tắc Sậy. Ngài đã giúp đỡ thành lập nhiều họ đạo trong vùng như Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Chủ Chí, Khúc Tréo, Rạch Rắn. Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con giáo dân di tản. Cha Bề Trên Địa Phận là Cha Trần Minh Ký và cả người Pháp khuyên Ngài lánh mặt, chờ khi nào yên ổn lại trở về Họ Đạo, nhưng Ngài trả lời: Tôi sống giữa đoàn chiên, chết cũng giữa đoàn chiên, tôi không đi đâu hết. Ngày 12-3-1946, Ngài bị bắt cùng với trên 70 giáo dân họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và giam chung với bổn đạo tại lẫm lúa của ông giáo Sự ở Cây Gừa. Vì bênh vực quyền lợi giáo dân, Ngài đã chết thay cho những người bị bắt chung. Thi hài và vết chém sau ót ngang mang tai, bị vứt xuống ao nhà ông giáo Sự, đã được giáo dân họ đạo Khúc Tréo vớt lên trong tư thế trần truồng như Chúa Giêsu trên thập giá và được đưa về chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (họ lẻ của Ngài). Đến năm 1969, hài cốt Ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy là nhiệm sở Ngài thi hành chức vụ mục tử suốt 16 năm”.

Thỉnh nguyện thư - vai trò và mục đích
Theo Ban Chấp Hành Trương Bửu Diệp Foundation, Chương Trình Góp Chữ Ký Ủng Hộ Tuyên Thánh: “Tiến Trình Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp nêu rõ trong giai đoạn từ tháng 9-2013 tại Rôma, Bộ Các Thánh sẽ xem xét chính thức tất cả các văn bản đã nhận được và bổ nhiệm một chuyên viên để nghiên cứu việc phong chân phước qua việc xem xét tất cả các văn bản và chuẩn bị một hồ sơ đầy đủ để trình lên Tòa Thánh, trong đó phải có hồ sơ chứng minh danh tiếng của Cha được các Kitô hữu và những người khác nhận định như thế nào. Đây chính là lúc mà thỉnh nguyện thư với chữ ký của toàn thể giáo dân, lương dân trên toàn thế giới sẽ đóng vai trò quan trọng như là một bằng chứng hết sức mạnh mẽ và thuyết phục để ban Hội Thẩm Sử Học của Tòa Thánh Rôma nhanh chóng xem xét việc phong chân phước và đệ trình lên Đức Giáo Hoàng”.
Hội trưởng Holly Hương Phạm của Hội Trương Bửu Diệp Foundation kêu gọi: “Cha Trương Bửu Diệp, một Linh Mục Việt Nam đã hy sinh chính mình để cứu giáo dân tại Tắc Sậy, Bạc Liêu. Qua đời năm 1946, Ngài được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ qua những ơn lành, phép lạ bằng lời cầu bầu của Ngài. Hiện nay tiến trình phong thánh cho Ngài đang khởi đầu và rất cần đến sự đồng tình ủng hộ của mọi người trên toàn thế giới không phân biệt tôn giáo. Chương trình Góp Chữ Ký Ủng Hộ Tuyên Thánh Cha Trương Bửu Diệp được thành lập bời Trương Bửu Diệp Foundation, là hội từ thiện vô vị lợi có trụ sở tại Orange County, California, bao gồm các anh chị cùng chung một trái tim, một tâm huyết, với mục đích vận động và ủng hộ cho tiến trình tuyên thánh Cha Trương Bửu Diệp. Bước đầu kêu gọi mọi người trên toàn thế giới góp chữ ký vào thỉnh nguyện thư và gửi đến Ủy Ban Tuyên Thánh, Tòa Thánh Roma. Theo Huấn Thị Sanctorum Mater do Bộ Tuyên Thánh ban hành năm 2007, chúng tôi hiểu rằng càng góp được nhiều thỉnh nguyện thư, tiến trình xét tuyên thánh Cha Trương Bửu Diệp sẽ càng có nhiều thuận lợi. Vì thế, chúng tôi tha thiết kêu gọi sự tiếp tay của tất cả mọi người. Mỗi chữ ký của quý vị sẽ là một viên gạch xây dựng nên tượng đài Thánh cho Linh Mục Trương Bửu Diệp. Bằng chữ ký của mình, quý vị có dịp bày tỏ lòng tri ân đến Cha một cách chân thành và thiết thực nhất. Ký tên vào thỉnh nguyện thư xin tuyên thánh cho Cha Diệp còn là cách để chúng ta vinh danh con người Việt Nam về những đóng góp cho hội thánh nói riêng và nhân loại nói chung. Chương trình không chủ trương kêu gọi đóng góp từ thiện. Nếu quý vị muốn ủng hộ cho ngân sách hỗ trợ tuyên thánh, xin vào trang www.truongbuudiep.org để mua các tác phẩm, sản phẩm đặc biệt về lưu niệm, tôn giáo. Chúng tôi cũng kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức giới thiệu các tác phẩm đặc biệt của mình trên trang web này. Khi tác phẩm có người mua, xin trích ra 10% để đóng góp cho chương trình. Ngân sách này sẽ dùng để trang trải các chi phí liên quan đến việc hỗ trợ tuyên thánh và sẽ được thông báo trên trang web của hội. Chúng tôi kêu gọi quý vị đóng góp chữ ký thỉnh nguyện qua trang web của Hội Trương Bửu Diệp Foundation. Chân thành cám ơn quý vị”.
Liên lạc Trương Bửu Diệp Foundation: P.O.Box 12230 Westminster, CA 92685, info@truongbuudiep.org, số điện thoại: (714) 362-6608

Diễn tiến tiến trình Tuyên Thánh
Bản gốc tiếng Pháp của Linh Mục Roland Jacques, OMI, người dịch là Nguyễn Thành Viễn.

- Diễn tiến tiến trình Tuyên Thánh 1
Giai đoạn tại Việt Nam:
15-8-2011: Hội Những Người Ái Mộ Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp được thành lập, để thúc đẩy mở án xin phong chân phước cho Cha Diệp.
16-8-2011: Đức Giám Mục Cần Thơ phê chuẩn tên, mục đích và mục tiêu của hội.
19-8-2011: Hội bổ nhiệm Vha Phêrô Trần Thế Tuyên làm Cáo Thỉnh Viên cho vụ án trên.
22-8-2011: Vị Cáo Thỉnh Viên chính thức xin Đức Giám Mục Cần Thơ mở vụ án này.
25-8-2011: Đức Giám Mục chấp nhận yêu cầu và bắt đầu mở một cuộc điều tra sơ bộ.
Tháng 9 - tháng 10-2011: Đức Giám Mục Cần Thơ tham khảo ý kiến của các Đức Cha ở Long Xuyên, ở Campuchia, và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Tháng 11-2011: Đức Giám Mục Cần Thơ công bố trong giáo phận về yêu cầu mở vụ án, nhờ các tín hữu trình lên các câu chuyện và các văn bản liên quan đến Cha Diệp.
3-12-2011: Đức Giám Mục yêu cầu Tòa Thánh cho biết về những trở ngại có thể. Đức Giám Mục bổ nhiệm một ủy ban chuyên môn về sử học và lưu trữ, để tìm ra và nghiên cứu tất cả các tài liệu liên quan đến Cha Diệp.
26-12-2011: Đức Giám Mục bổ nhiệm một hội đồng tòa án để chính thức nhận chứng cứ của các nhân chứng.

Các bước kế tiếp:
5-1-2012: Phiên họp khai mạc cuộc điều tra cấp giáo phận tại Cần Thơ. Các nhân viên tuyên thệ. Vị Cáo Thỉnh Viên nộp danh sách của các nhân chứng.
Tháng 1-2012-Tháng 6-2013? Các phiên họp điều tra của tòa án cấp giáo phận để nhận chứng cứ của các nhân chứng.
Tháng 6-2013? Ủy ban lịch sử báo cáo kết quả nghiên cứu.
Tháng 7-2013? Tòa án và vị Cáo Thỉnh Viên xem xét lại các chứng cứ và các văn bản.
Tháng 8-2013? Phiên họp bế mạc chính thức của cuộc điều tra cấp giáo phận. Tất cả các tài liệu liên quan đến vụ án được đóng kính niêm phong và gửi về Tòa Thánh.

- Diễn tiến tiến trình Tuyên Thánh II:
Giai đoạn tại Rôma:
Tháng 9-2013-Tháng 6-2014? Bộ Các Thánh tại Rôma xem xét chính thức tất cả các văn bản đã nhận được. Các vị ấy sẽ chuẩn nhận vụ án cấp giáo phận có giá trị hay không?
Mùa thu 2014? Bộ Các Thánh bổ nhiệm một chuyên viên chính thức (gọi là “Relator”) để nghiên cứu việc phong chân phước.
2014-2016? Vị chuyên viên này, cùng với một cộng tác viên ở ngoài Tòa Thánh, chuẩn bị một hồ sơ đầy đủ (gọi là “Positio”), để trình lên Tòa Thánh, gồm có: (a) Tiểu sử của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. (b) Bản tóm tắt tất cả các lời chứng từ và các tài liệu liên quan. (c) Dựa vào đó, chứng minh sự chết vì đạo của Cha Diệp: Cha chết như thế nào? Cha có tự do dâng hiến mạng sống của mình cho Chúa Kitô không? Những người giết Cha vì lý do nào? Có phải họ vì ghét đạo không? Cái chết của Cha được các Kitô hữu và những người khác nhận định như thế nào? Cha có danh tiếng thánh thiện và có sức mạnh cầu bầu không?
2016-2017? Bản Positio được một Ban Hội Thẩm Sử Học do Tòa Thánh chỉ định xem xét.
2017? Bản Positio được một Ban Hội Thẩm Thần Học do Tòa Thánh chỉ định xem xét.
2018? Nếu cả hai Ban Hội Thẩm trên chấp thuận, một Hồng Y đoàn sẽ xem xét việc phong chân phước và đệ trình lên Đức Giáo Hoàng.
2018-2019? Đức Giáo Hoàng phê chuẩn và cho phép tổ chức lễ tuyên phong chân phước long trọng tại Việt Nam.
Quốc Hương/Viễn Đông
Bài đăng vào ngày: 25-03-2012 lúc 02:41:16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét