Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Tạ ơn cha Trương Bửu Diệp

Công việc cho tôi cơ hội la cà đến Trung Tâm Hành Hương Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp. Công việc cho tôi cơ hội rề rà, tới lui nhiều lần trong ngày, bên trong và cả bên ngoài trung tâm. Công việc cho tôi cơ hội cà rà và lân la tiếp xúc với nhiều khách hành hương đến từ bốn phương.

Theo Lịch Công Giáo của Địa Phận Phnom Penh (cũng quen gọi là Nam Vang) năm 1928 thì Phong Thạnh và Tắc Sậy ngày nay là một. Tánh người dân Miền Nam thích dù từ tượng hình như bánh xéo hay canh chua, nói ra hiểu ngay. Nên họ thích dùng từ Tắc Sậy. Tại sao gọi là Tắc Sậy? Nhiều người cho rằng: Đây là một đám sậy lớn như đám rừng và người ta không đi vòng để sang mé bên kia rừng sậy mà đi TẮT ngang. Từ Tắc Sậy được dùng từ đó. Người Miền Nam Việt Nam phát âm thoải mái, không cần phân biệt chi cho mệt “chuyện nhỏ” như vần cuối của mỗi chữ. Na ná như ngày nay người ta dùng từ bến phà thay thế cho bến bắc hay cầu bắc.



Nếu muốn phân biệt thì phải viết là bến bắt hay cầu bắt, là nơi bắt lấy đò hay tàu để sang bờ bên kia sông. Tuy nhiên, Tắc Sậy cũng có nghĩa là rừng sậy làm TẮC nghẽn lối đi chăng? Hay câu chuyện “Ô thước bắc cầu” tức đàn quạ vào ngày Song Thất tức ngày 7 tháng 7 âm lịch thì nối cánh trãi rộng bắt cầu dài trên song Ngân để cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau mỗi năm một lần. Đàn quạ bắt cầu, tức làm cầu cho đôi tình nhân gặp nhau được gọi là Ô thước BẮC cầu.

Cũng do la cà lân la với bà con mà tôi học được nhiều điều thú vị. Trung Tâm Hành Hương Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp và đền Bà Thanh Hải được chính quyền Cà Mau tôn trọng và xếp vào loại khu du lịch tâm linh. Tên “khu du lịch tâm linh” nghe thật lạ tai, vì chưa nghe bao giờ và cũng không chắc người nói tiếng Anh hiểu khi dịch sang là Spiritual Tourism Area. Thôi thì cũng mừng, ít là có từ tâm linh xem chừng nâng giá trị con người lên cao một chút trong cuộc sống vật chất thấp hèn nầy.

Cũng do tính khí rề rà và thoải mái mà tôi nói chuyện được với nhiều bà con đến cầu nguyện bên mộ phần Cha Phanxicô Xaviê Truơng bửu Diệp. Bà con dễ thương và dễ chịu, đa số là người không Công Giáo. Như chị Hồng đến từ Ba Thê núi Sập, An Giang, cúng một heo quay bự tùa, da giòn tươm mỡ ngon thấy phát thèm nói: Tui đến tạ ơn Ông cha cho tui có thằng con quá xá ngộ và quá xá khỏe. Anh Bảy xe ôm nói: Cám ơn Ông Cha cho tui chạy xe thiệt là trúng….có tiền trả gần hết nợ rồi. Chị Hường ôm thằng con bất toại vừa rên la kêu khóc, vừa khấn nguyện: Cha ơi! Con khổ quá! Chồng con bỏ con theo vợ bé. Con phải nuôi 5 đứa con mà thằng nầy ngặt nỗi lại què… khổ quá Cha ơi! Xin cho thằng cha khốn nạn của nó chết bất đắc kỳ tử giùm con! Xin cho mẹ con con có cơm gạo ăn hàng ngày…khổ quá Cha ơi!

Nhiều và thật nhiều cảnh khổ….Nhiều và thật nhiều người đến cầu nguyện, khấn vái cho cuộc sống mỗi ngày sao quá nhiều truân chuyên và khổ sở. Thật cám ơn Chúa đã ban cho Miền Tây Nam bộ một linh mục giàu lòng thương xót, ban thật nhiều ơn lành cho bà con lương giáo.

Nói đơn giản dễ hiểu, Cha Diệp có tính thích lân la, rề rà với mọi tầng lớp dân chúng, nhất là với bà con lương dân nghèo. Đây là lời chứng của Ông Nguyễn văn Đức, hiện còn sống ở Chủ Chí. Cũng có nhiều người hỏi: Tại sao Cha Diệp ban nhiều ơn lành cho người ngoại đạo? Tôi chỉ trả lời một cách dễ dãi như sau: Chúng ta gọi họ “ngoại đạo” vì ngoài đạo Công Giáo chúng ta. Nhưng họ vẫn là con Chúa như chúng ta. Chúa là người Cha rất nhân ái, từ tâm luôn thương yêu con cái mình. Khi một đứa con đến với Cha mình xin giúp đỡ, có bao giờ Cha nó hỏi: Con có rửa tội hay có đi lễ chưa hay có lần chuỗi chưa? Nhưng người Cha cho con mình cái nó đang cần kêu xin. Chính vì vậy Đức Cha GB. Bùi Tuần bảo: Cha Diệp là một Ông Thánh nhà quê, nguời Miền Nam dễ tính. Cha không cần hỏi xem người ta có thuộc giáo lý hay không trước khi ban ơn, nhưng Ngài ban ơn một cách thoải mái và dễ dàng.

Hơn nữa, ơn Chúa ban là để truyền giáo, tức để người nhận ơn tin Chúa mà trở lại đạo. Người Công Giáo hay các linh mục đã có đức tin rồi, đã tin Chúa rồi. Nên xem chừng ơn Chúa cần ban phát nhiều hơn cho người ngoại đạo để họ nhận ơn lành mà tin Chúa hơn. Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp là một mẫu gương của tinh thần truyền giáo qua lối sống nhân ái, từ tâm và gần gũi với bà con lương dân: Ông Ba Lập nói: Cha thương yêu mọi người và thỉnh thoảng cho người nấu cơm để đãi bà con lương giáo chung quanh. Bà Lucia Huỳnh thị Nghĩa nói: Cha cho phép chôn cả người không Công Giáo trong đất thánh Công Giáo.

Thiên Chúa là Đấng vô hình tự bản chất. Ngài thành hữu hình, đáng tin và đáng yêu qua hình ảnh nhân từ bác ái của Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp. Cứ dấu nầy mà người ta nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là: Các con hãy yêu thương nhau. Chỉ có 8 triệu người Công Giáo trên tổng số hơn chín mươi triệu người Việt Nam. Người Việt Nam được khen là giữ đạo và sống đạo rất mạnh, rất ồn ào và rất hoành tráng nhưng chưa ai khen người Việt Nam có tinh thần truyền đạo qua đời sống bác ái yêu thương thật sự.

Nhờ tinh thần Nam Bộ thích lân la, la cà hay cà rà nầy mà Cha Diệp thành người Cha của muôn người, những người nghèo khổ, chất phát và chân thành. Cũng nhờ tinh thần Nam Bộ thích lân la, la cà hay cà rà nầy mà tôi tìm thấy những lời Kinh đánh rớt thật hữu ý chung quanh mộ phần Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp. Lời kinh đọc lên nghe mùi như Sáu Câu Vọng Cỗ Nam Bộ. Tôi đã cầu nguyện với những lời kinh nầy. Xin ghi lại và chia sẻ:

BÊN CHÚA

Vất vả, lo toan con lại về bên Chúa.
Bên chân Người, con lại thấy ấm lòng.
Bao sợ hãi… buồn phiền… con trao Chúa.
Người thương con, xin đổi lấy bình an.

Bên chân Chúa, con thật lòng cầu nguyện,
Người đoái thương cho vạn vật trên đời.
Được hưởng phúc trong tình thương của Chúa.
Và bình yên trong cuộc sống mai sau.

Con vẫn biết, con còn nhiều tội lỗi,
Xin Chúa thương tha thứ mọi điều.
Con vẫn biết, con là người trần thế,
Nhưng con tin có Chúa ở trên cao.

Lòng thanh thản khi con quỳ bên Chúa
Nhận tình thương từ Chúa ban cho
Và từ đó con không còn vất vã,
Mọi lo toan, xin Chúa liệu thay.

Con tin Chúa trong tim con có Chúa.
Che chở thương yêu dẫn đường đến thiên đàng.

Magarita Kim Hoa.

KÍNH MẸ MARIA

Lạy Mẹ Maria đầy nhân ái,
Tình thương Người phủ khắp cả thế gian.
Chúng con những kẻ mang tội nhiều muôn thuở
Cứ vấp ngã hoài, cứ tạo nghiệp trầm kha.

Nhưng Mẹ vẫn muôn lần tha thứ tội
Chở che cho nhân loại muôn người
Con vẫn biết tình Mẹ là tất cả,
Cho chúng con muôn ngàn nổi yêu thương.

Mang hạnh phúc đổi gian nan nguy khốn,
Để chúng con giữ mãi được đức tin.
Mẹ là đất, là trời, là tất cả.
Thương chúng con Mẹ che chở trăm bề.

Tình thương của Mẹ con luôn ghi khắc,
Luôn nguyện cầu, con giữ mãi được đức tin.
Để mãi mãi con là con của Mẹ
Được sống vui trong lòng Mẹ trọn đời.

Con xin Mẹ cho con qua gian khó,
Để con làm tròn bổn phận với các con. Amen

Magarita Kim Hoa.

NHỚ CHA PHANXICÔ

Con không biết từ đâu Cha đến,
Ban yêu thương hạnh phúc đến muôn người.
Có lẽ Cha do Chúa Trời sai xuống?
Cứu vớt sinh linh thoát khỏi cảnh lầm than,

Mang đức tin, chân lý đến mọi nhà.
Thêm sức mạnh, tâm linh người khốn khó.
Cha của con là Cha Trương bửu Diệp
Phanxicô là tên thánh của Người.

Yêu nhân loại Cha hy sinh tất cả.
Vì giáo dân, Cha chọn lấy đầu rơi.
Máu Cha đổ cho bình an Giáo Hội.
Tạo niềm tin bên cạnh Chúa Giêsu.

Hỡi nhân loại muốn thoát vòng khổ ải.
Hãy đến bên Cha và sống như Chúa Giêsu.
Có đức tin cuộc sống sẽ vững vàng.
Bao sợ hãi buồn phiền đều tan biến.

Cha tồn tại trong lòng con mãi mãi
Theo chân Cha cùng tiến tới thiên đàng.
Cám ơn Cha Phanxicô đã giúp con vượt qua khó khăn

Magarita Kim Hoa.

Nhờ la cà hay gần gũi với những nhân chứng sống mỗi lần có dịp. Tôi được biết Ba chị em ruột cùng có mặt trong ngày 12.3.1946. Đó là Bà Trần thị Hường năm đó được 13 tuổi, bà Trần thị Phụng năm đó 11 tuổi và bà Trần thị Cảnh năm đó được 4 tuổi. Bà Trần thị Cảnh được Cha Diệp rửa tội trước khi Cha bị giết chết. Bà được rửa tội chung với Cha Mẹ Bà là Ông Bà Trần văn Năng, Bà nội là Nguyễn thị Nhuần và người anh trai tên Trần văn Nuôi.

Tính khí rề rà cho tôi liên tưởng đến bài “Đẹp thay, bàn tay linh mục!” mà tôi đã phỏng dịch từ bài “The Beautiful Hands of a Priest!” Xin được trao tặng cả lời và nhạc như một tri ân Trời Đất. Tri ân Trời, vì đã thánh hóa bàn tay phàm nhân thành linh thánh và cần thiết cho cuộc đời. Tri ân đời đã biết nhìn nhận giá trị linh thánh của bàn tay linh mục. Cha Diệp đã “mở tay” ban muôn ơn lành và ban bí tích rửa tội cho người khác trước khi “bó tay” chờ chết. Chúa đã dùng tay Cha ban ơn cứu độ. Thật cáo quý và đáng ngưỡng mộ! Tính khí lân la, kề rà của Cha Diệp đã biến bàn tay Cha thành ơn phước cho người gần gũi với Cha và Cha gần gũi với họ. Họ

Đạo Tắc Sậy năm 1946 với một linh mục dễ gần gũi, thích lân la và sống tình nghĩa với người dân đã được Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện trên bình diện Giáo Hội toàn cầu. Thủ lãnh của Giáo Hội rất gần với đám đông nghèo khổ. Thủ lãnh của Giáo Hội thích lân la, rề rà với bà con nghèo trong khu ổ chuột như trong Đại Hội giới trẻ thế giới vừa qua ở Ba Tây. Thủ lãnh Giáo Hội thành một con người mà ai cũng có thể đến gần sờ chạm hay nói chuyện thân tình. Thủ lãnh Giáo Hội, một chủ chiên mang lấy mùi của bầy chiên. Thủ lãnh Giáo Hội ngày nay như Cha Diệp ngày xưa đã đưa tay ban phát, nâng đỡ, dìu dắt và ân cần chăm sóc đàn chiên. Thật đẹp  thay đôi tay linh mục!

Lm. Phêrô Trần thế Tuyên
Nguồn: http://lesinhtsc.com/ta-on-cha-truong-buu-diep.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét